Hai đứa trẻ, một đứa lên 3, một đứa gần 1 tuổi là kết quả của những lần người mẹ tâm thần bị hãm hiếp để rồi ngày nào chị cũng cắp nách hai đứa đi khắp nơi, có lần đánh ngã con khiến máu chảy ra ròng ròng.
Câu chuyện về hai đứa trẻ Vũ Đức Thiện (3 tuổi) và Vũ Minh Trí (1 tuổi) được sinh ra bởi người mẹ tâm thần là chị Vũ Thị Hạnh (thôn Vũ Xá, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) khiến cho mọi người trong thôn, ngoài làng vô cùng lo lắng. Hình ảnh người mẹ ngày nào cũng cắp nách 2 đứa trẻ đi khắp mọi nơi rình rập bao hiểm nguy cho dù mẹ chị là bác Trần Thị Hải đã cố gắng ra sức “canh chừng”. Không làm hại đến các con, nhưng chị Hạnh hoàn toàn không biết gì cả, nên nhiều lần làm ngã con khiến hai đứa máu chảy đầm đìa.
Chị Hạnh bị tâm thần đã lâu, không biết gì, cả ngày chỉ ngồi lầm lì.
Hai lần bị cưỡng hiếp, chị Hạnh sinh ra 2 con Thiện (3 tuổi) và Trí (1 tuổi).
Vừa ngượng ngùng, sợ hãi khi kể chuyện con gái mình, bác Hải nghẹn ngào: “Tôi lấy chồng được 11 năm thì ông ấy bỏ đi lấy người khác, khi đó tôi còn đang có bầu được 8 tháng đứa út. Không còn ông ấy bên cạnh, mấy mẹ con tôi tá túc vào nhau sống, đói khổ và chịu điều tiếng bị chồng bỏ, khốn khổ lắm cô ạ. Cái Hạnh sinh ra đã chậm chạp, không bình thường nên nó ở lại với tôi. Tâm sự thật với cô nó bầu 2 lần tôi chẳng biết ai là bố đứa trẻ, mà bản thân con gái tôi cũng không hề biết là mình có bầu. Đến khi đi đẻ lần 2 là tôi phải nhờ bác sĩ triệt sản luôn chứ không còn để lại nhiều hậu quả khôn lường lắm”.
Bác Hải nuôi con trong cảnh không có chồng, giờ lại chăm cả con, cả cháu khi về già.
Tương lai rồi sẽ đi đâu về đâu với những đứa trẻ này?
Năm nay đã ở độ tuổi 70 nhưng bác Hải phải chăm cùng lúc con gái và 2 đứa cháu thơ dại. Hoàn toàn không có bất cứ nguồn thu nhập gì, bác chỉ dựa vào sào ruộng để kiếm bữa rau, bữa cháo cho cả nhà nhưng vẫn không đủ. 1 tay bế bé Trí, 1 tay vòng ôm bé Thiện, bác kể tội lắm cả hai đứa đều không có sữa uống, nên cách duy nhất là bác phải gạn nước cơm, sau đó cho một chút đường vào để cháu uống.
Từ quần áo, sữa bỉm, đến bữa ăn hàng ngày 2 đứa trẻ này cũng thiếu.
Chị Hạnh không chăm được con nhưng chị không làm hại con.
“Thi thoảng mọi người trong làng thương cũng mua cho cháu hộp sữa cô ạ. Đợt nào có sữa để pha cho 2 đứa thì chúng uống háo lắm, nó thèm mà cô” – Bác Hải cúi gằm mặt kể chuyện vì xấu hổ cho cái cảnh nghèo của mình.
Hai bé Thiện và Trí trộm vía kháu khỉnh dù chẳng có gì để ăn nhưng áo quần thì cáu bẩn, rách nhiều chỗ lung tung. Cùng có mặt tại gia đình với chúng tôi, bác Nguyễn Xuân Thu – Trưởng thôn Vũ Xá cũng ái ngại kể chuyện: “Đời bà Hải đã khổ lắm rồi, giờ đến đời con rồi đời cháu. Bây giờ trong gia đình là mẹ già chăm con tâm thần và chăm 2 cháu nhỏ mà nghèo khổ chẳng có đủ cả bữa ăn luôn. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi có chương trình tặng quà gì đều dành hết cả cho gia đình nhưng cũng chỉ mang tính chất động viên thôi cô ạ. Chúng tôi tha thiết hai đứa nhỏ được mọi người giúp đỡ cho các cháu đỡ khổ thân”.
Các công việc trong gia đình một mình bác Hải lo hết vì chị Hạnh không biết gì.
Nỗi lo lắng của bác Thu cũng là nỗi niềm trăn trở của chúng tôi khi hai đứa trẻ sống trong cảnh quá nghèo nàn và thiếu thốn trăm bề. Sự có mặt của các em là một “tai nạn” và với nhiều người đây là 1 kết quả không mong muốn nhưng hai bé vô tội, các em đã có duyên “làm người”, xin hãy cứu giúp để chúng có đủ bữa cơm ăn.
“Quả thật là tôi đã nghĩ đến phương án cho hai đứa đi để đảm bảo các cháu có cuộc sống tốt hơn nhưng tôi không nỡ làm như vậy cô ạ. Con gái tôi bị bệnh, nó chẳng biết gì cả, cứ lầm lì ngồi một chỗ thế kia nhưng nó không làm hại con nó. Nhìn cháu thì xót lắm, mà nhìn con thì cũng buốt hết cả lòng”.
Xác định nuôi các cháu khi còn sức khỏe nhưng hoàn cảnh quá nghèo khó khiến bác Hải vô cùng lo lắng. Cả một đời chăm con trong cảnh không có chồng, giờ đến lúc về già bác lại canh cánh nỗi lo cho 2 đứa cháu đáng thương, không có bố. Chúng còn nhỏ quá mà thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ngay cả một món đồ chơi dù chỉ là nhỏ nhất.
Mọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm vui lòng gửi về:
Bác Trần Thị Hải (thôn Vũ Xám xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam)
Số ĐT: 0347.544.496
Chúng tôi xin trân thành cảm ơn!
Bình luận